Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo phát biểu về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tại phiên Thảo luận ở hội trường chiều ngày 21/11/2019

Đăng ngày 12-10-2020
100%

 

Kính thưa Chủ toạ phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Để góp phần sửa đổi Luật Thanh niên, tôi xin góp ý ba nội dung sau đây.

Nội dung thứ nhất liên quan đến quan điểm tiếp cận để sửa đổi luật. Tôi đồng tình với mục đích khi tiến hành sửa đổi luật này là nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chính sách của nhà nước với thanh niên, hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo thanh niên được đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách tiếp cận coi thanh niên như là đối tượng cần được ưu tiên khác với các công dân khác. Cá nhân tôi nhận thức rằng thanh niên là lực lượng chiếm ưu thế trong xã hội là nhóm đang có thế mạnh chứ không phải yếu thế. Do đó tôi thiết nghĩ đừng để bản thân thanh niên thấy mất nhuệ khí trong chính luật quy định về mình, đừng coi họ là đối tượng cần giúp đỡ mà hãy tạo cơ hội để họ được cống hiến. Trong dự thảo với 62 điều thì tại khoản 3, khoản 5 Điều 13, khoản 2, 4, 7 Điều 16; khoản 3 Điều 20, v.v. tổng cộng có tới 21 điều liên tục nhắc tới cụm từ "bảo đảm", "tạo điều kiện hỗ trợ". Tại Chương II có 9 mục thì 8/9 mục này đều dồn dập có các quy định về chính sách mà nhà nước phải đứng ra để bảo đảm. Việc thể hiện sự ưu đãi mang tính khẩu hiệu như thế có nên hay không khi mà thanh niên là những công dân Việt Nam có độ tuổi từ 16 đến 30. Thực tế cho thấy đó là độ tuổi đang khỏe mạnh, năng động và sáng tạo nhất. Thanh niên luôn sẵn sàng cống hiến vô điều kiện cho đất nước chứ không phải chờ được nhà nước ưu tiên khuyến khích thì họ mới nào. Do đó, chính sách phải sát với đối tượng thụ hưởng. Chính sách không phải quy định chỉ là để đấy, quy định chỉ cho thấy nhà nước đã có sự quan tâm đến thanh niên mà chính sách cần tạo được hành lang pháp lý thực chất cho thanh niên phát triển.

Ở đây tôi đang muốn đề cập chính sách tương ứng với các quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong Chương II, vì dự thảo đang không chỉ rõ chủ thể để thực hiện ở đây là gì. Tại mục 1 Điều 13 quy định về chính sách học tập đối với thanh niên, nên bỏ các quy định hàng loạt chung chung là "nhà nước có chính sách", thay vào đó cần quy định rõ chủ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo, coi đây là cơ quan đầu mối và các bộ, ngành liên quan đóng vai trò phối hợp, từ đó mới ràng buộc được trách nhiệm của các chủ thể thực hiện chính sách cho thanh niên và chính sách mới có giá trị thực tiễn khi thi hành.

Tương tự như vậy cần quy định chủ thể thực hiện chính sách là các bộ, ngành khác phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của họ như thực hiện chính sách lao động đối với thanh niên tại Điều 16 là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đối với thanh niên tại Điều 20 là Bộ Y tế v.v...

Đối với khoản 2 Điều 3 quy định về việc miễn một số nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ đối với những thanh niên có thành tích mang lại các vinh dự vẻ vang cho quốc gia. Tôi nghĩ quy định này đang bắt buộc những thanh niên xuất sắc phải để cho nhà nước miễn chứ không có quyền lựa chọn giữa được miễn hay không cần được miễn. Đất nước rất cần những người vừa có tài, vừa có tâm. Trên thực tế, nhiều thanh niên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này nhưng họ vẫn có nguyện vọng sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để thực hiện các nghĩa vụ khác. Nếu quy định như khoản 2 Điều 3 như trên đã vô tình triệt tiêu nhu cầu chính đáng của họ mà lẽ ra đang cần phải khuyến khích. Vì thế, tôi đề nghị khoản 2 này cần sửa lại là "Thanh niên có thành tích mang lại các vinh dự vẻ vang cho Tổ quốc thì được tôn vinh và miễn một số nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ nếu có nguyện vọng". Đồng thời, cũng cần phải có quy định rõ, tránh mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các nghĩa vụ ở đây. Quy định như vậy sẽ vừa tạo cơ chế miễn giảm nhưng vẫn theo hướng mở để thanh niên thuộc đối tượng này có thể được chủ động lựa chọn giữa việc được miễn hay không được miễn các nghĩa vụ, không quy định cứng làm hạn chế khả năng cống hiến của họ.

Tôi xin góp ý vào quy định về đối thoại đối với thanh niên tại Điều 9. Trong những lần phát biểu tại các kỳ họp trước, tôi đã từng đề cập đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường công tác đối thoại và lắng nghe thanh niên. Trong dự thảo lần này dành riêng một điều quy định về đối thoại với thanh niên bản thân tôi thấy rất phấn khởi. Tuy nhiên, chất lượng của điều khoản ở đây quy định lại không được như tôi mong đợi. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thanh niên cần đối thoại và ngược lại đối thoại cũng giúp Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có thể lắng nghe được kiến nghị của thanh niên, tiếp thu những đóng góp trong xây dựng chính sách. Đối thoại cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ và có hiệu quả. Tôi nhất trí với quy định về chủ thể đối với thanh niên song tôi cũng đề nghị sửa đổi các quy định liên quan như sau:

Thứ nhất, đề nghị sửa đổi về tần suất đối thoại, từ ít nhất mỗi năm một lần thành các số lần khác nhau với từng chủ thể cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên ít nhất 1 lần/năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước đối thoại ít nhất 2 lần trên năm, tức là ít nhất 6 tháng/lần nhằm đảm bảo khả năng thực hiện trong thực tiễn khả thi hơn, tùy điều kiện của từng cấp chính quyền đảm bảo được tính kịp thời, cập nhật và sát với nhu cầu của đối thoại.

Thứ hai, để tăng được hiệu quả đối thoại, tôi đề nghị cần bổ sung vào Điều 9 quy định về cách thức đối thoại, nội dung đối thoại, đối tượng thanh niên được tham gia phù hợp với chủ đề đối thoại, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiến hành đối thoại và cũng cần có quy định về cơ quan giám sát hay tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với quá trình trước, trong và sau khi nội dung kết luận đối thoại gửi đến.

Thứ ba, mặc dù không liên quan trực tiếp đến dự thảo luật nhưng tôi muốn góp ý liên quan quan đến các dự thảo nghị định ban hành đi kèm. Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật sửa đổi lần này, 4 nghị định đi kèm cũng là do Chính phủ trình. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Chính phủ soạn thảo luật mà không đặt hết tâm tư và đối tượng luật hướng đến và soạn thảo nghị định thì chưa thực sự được nghiêm túc. Cụ thể là bên cạnh dự thảo luật còn nhiều vấn đề thì các dự thảo nghị định còn sơ sài, nếu không muốn nói là không có được giá trị gì nhiều. Chỉ đơn giản là tên chương, tên điều và để trống các nội dung bên trong. Đọc sơ bộ những dự thảo này, tôi cảm thấy thật sự băn khoăn, nhưng tôi nghĩ có lẽ do dự thảo luật còn nhiều nội dung chưa thống nhất nên cơ quan soạn thảo khó quy định được nội dung chi tiết ở trong nghị định. Tôi hết sức chia sẻ và mong rằng khi trình Quốc hội lần tới thì các nghị định này sẽ được chi tiết và chất lượng hơn.

Kính thưa Quốc hội, thanh niên không yếu và chưa bao giờ ở thế yếu. Họ đủ năng lực, hành vi để nhận thức được những việc đang làm, do đó cần có cái nhìn hoàn thiện về vai trò tiềm năng và mong muốn của thanh niên. Tôi đề nghị rà soát tổng thể dự thảo luật, chỉnh lý để không quy định theo hướng chỉ việc cho thanh niên mà cần quy định theo hướng đảm bảo được hành lang pháp lý. Trao cơ hội cho thanh niên làm những việc mà bản thân họ thấy cần phải làm, có thể làm và làm thế nào để phục vụ có hiệu quả cho đất nước, cho xã hội.

Xin hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

°
105 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120