Đưa quan hệ Việt Nam – Ca-dắc-xtan lên tầm cao mới

Đăng ngày 09-09-2020
100%

Chuyến thăm Ca-dắc-xtan lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm khẳng định coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống CH Ca-dắc-xtan
Nu-xun-tan Na-da-bai-ép
 tại Phủ Chủ tịch (10/2011) Ảnh Mạnh Hùng


Nằm ở khu vực Trung Á, Ca-dắc-xtan là một trong 15 nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô-Viết trước đây, sau khi Liên Xô tan rã, ngày 16/12/1991 Ca-dắc-xtan tuyên bố độc lập. Là một trong những nước Cộng hòa trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) Cộng hòa Ca-dắc-xtan có diện tích 2.717.300 km2 và đường biên giới trải dài 12.030 km, tiếp giáp với Trung Quốc, Cư-rơ-gư-dơ-xtan, Nga, Tuốc-mê-ni-xtan. Ca-dắc-xtan giáp biển kín A-ran (Biển Chết) và biển kín Ca-xpi. Với dân số 16,675 triệu người (số liệu 1/1/2012), thu nhập bình quân đầu người 10.694 USD/năm (2011). Ca-dắc-xtan là một nước công – nông nghiệp. Công nghiệp dựa vào khai thác và chế biến tài nguyên, chế tạo máy xây dựng, máy kéo, máy nông nghiệp. Nông nghiệp chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt Ca-dắc-xtan có trữ lượng dầu mỏ đứng hàng thứ tám trên thế giới, riêng vùng biển Ca-xpi của Ca-dắc-xtan có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu; đứng thứ ba về trữ lượng crôm; thứ hai về trữ lượng uran; thứ tư về trữ lượng quặng thiếc; thứ tám về trữ lượng vàng và than.

Ca-dắc-xtan theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Hiến pháp đầu tiên sau độc lập được thông qua ngày 28/1/1993. Theo đó Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, là quan chức cao nhất định hướng đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại chính của Nhà nước, đại diện cho Ca-dắc-xtan trong nước và trong quan hệ quốc tế. Tổng thống là biểu tượng và là bảo đảm cho sự đoàn kết của nhân dân và quyền lực nhà nước, sự bất khả xâm phạm của Hiến pháp, quyền và quyền tự do của công dân. Tổng thống đảm bảo phối hợp hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Sau khi tuyên bố độc lập năm 1991, Ca-dắc-xtan chuyển nhanh sang kinh tế thị trường, tích cực hội nhập kinh tế thế giới, các biện pháp cải cách kinh tế của Chính phủ và quá trình tư nhân hóa diễn ra nhanh chóng đã đem lại kết quả to lớn trong phát triển kinh tế. Ca-dắc-xtan hiện đang tiến hành chính sách công nghiệp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dầu lửa. Từ năm 2000, kinh tế Ca-dắc-xtan bắt đầu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong mười năm gần đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ca-dắc-xtan tăng 3,5 lần và kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng ba lần, đưa nước này vào danh sách sáu nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc. Năm 2010, GDP của Ca-dắc-xtan tăng 7% và GDP năm 2011 tăng 7,5%; lạm phát ở mức 7,4%, sản xuất công nghiệp tăng 3,8%, nông nghiệp 27,3%, thương mại 14,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2012, GDP tăng 7,1%, thặng dư thương mại tăng 11,2%, đạt 12,9 tỷ USD, dự trữ vàng và ngoại tệ đạt 85 tỷ USD.

Ca-dắc-xtan tham gia Liên minh thuế quan với Nga, Bê-la-rút vào tháng 7-2010 và tiến tới xây dựng Không gian kinh tế thống nhất giữa ba nước vào năm 2012, cho phép tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động phù hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô của cả Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Ca-dắc-xtan thực hiện chính sách thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Năm 2010 Ca-dắc-xtan thu hút khoảng 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 1,7 tỷ USD là vào khu vực nguyên nhiên liệu, hiện nay Ca-dắc-xtan có hơn 19 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ 137 quốc gia đang hoạt động tại nước này.

Việt Nam – Ca-dắc-xtan có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, tiếp nối mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước thuộc Liên ban Xô-Viết trước đây, quan hệ chính trị của hai bên không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên duy trì trao đổi cấp cao, các cuộc tiếp xúc song phương và phối hợp hành động trên những diễn đàn quốc tế. Việt Nam và Ca-dắc-xtan đã ký nhiều hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, ngoại giao, giáo dục, đầu tư, lao động, năng lượng... Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại LHQ và các diễn đàn quốc tế. Ca-dắc-xtan ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Hai nước cam kết ủng hộ nhau ứng cử Hội đồng nhân quyền LHQ và công nhận nhau là nước có nền kinh tế thị trường. Là nước sáng lập Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Ca-dắc-xtan tích cực hỗ trợ Việt Nam gia nhập CICA vào tháng 6-2010.

Việt Nam ủng hộ Ca-dắc-xtan trở thành thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tham gia Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các bên đã nhất trí khởi động nghiên cứu đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan; thành lập Nhóm công tác nghiên cứu, hỗ trợ đàm phán FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan. Hợp tác kinh tế - thương mại có chiều hướng phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương tăng nhẹ trở lại, tuy nhiên còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước, năm 2011 đạt khoảng 49 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2012 kim ngạch thương mại hai nước đạt 41 triệu USD. Tại khóa họp thứ 5 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật diễn ra tháng 9-2011, hai bên đã ký kết Kế hoạch hành động chung Việt Nam – Ca-dắc-xtan giai đoạn 2011-2013 nhằm đẩy mạnh hợp tác.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ca-dắc-xtan (Republic of Kazakhstan) Nu-xun-tan Na-da-bai-ép (Nursultan Nazarbayev), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan từ ngày 10-11/9/2012. Chuyến thăm cấp Nhà nước Ca-dắc-xtan lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm khẳng định coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, nông – công nghiệp, khoa học – giáo dục; vận động lãnh đạo Ca-dắc-xtan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án dầu khí tại Ca-dắc-xtan; tham dự khai mạc “Những ngày văn hóa Việt Nam – Ca-dắc-xtan” nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ca-dắc-xtan của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thành công tốt đẹp, cụ thể hóa những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Tổng thống Ca-dắc-xtan N. Na-da-bai-ép (10/2011). Kết quả của chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Ca-dắc-xtan ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới./.

24 online users
°